Đà Lạt vốn là biểu tượng du lịch của Lâm Đồng, nhưng lượng lớn du khách đã khiến thành phố quá tải, quỹ đất hẹp dần, ít cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân. Lúc này, Bảo Lộc nổi lên như một vùng đất mới đầy tiềm năng.
TP Bảo Lộc có độ cao hơn 800m so với mực nước biển và sở hữu thời tiết mát mẻ quanh năm, với nhiệt độ trung bình từ 21 - 22 độ C. Bảo Lộc là thành phố hiếm hoi trên cả nước có địa hình đa dạng: những đồi núi cao trập trùng, sườn dốc và thung lũng thoai thoải với những đồi chè xanh mướt và cà phê bạt ngàn.
Người ta thường nhắc đến Đà Lạt như một biểu tượng du lịch tại Lâm Đồng. Đà Lạt lãng mạn và mộng mơ khiến du khách nào ghé qua cũng đều quyến luyến khi trở về. Riêng Bảo Lộc, nơi này vừa có nét lãng mạn, nên thơ của Đà Lạt, lại vừa có nét hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng, phù hợp để du lịch nghỉ dưỡng, khám phá và trải nghiệm thiên nhiên.
Ở đó, thác Damb’ri nằm giữa khu rừng nguyên sinh hùng vĩ đã trở thành biểu tượng gắn liền với du lịch sinh thái của Tây Nguyên. Khu du lịch Madagui - một phần của Vườn Quốc gia Cát Tiên, trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho những người yêu thích du lịch “phượt” với những môn thể thao như chèo thuyền kayak, trượt zipline, leo núi, trượt cỏ, cưỡi ngựa… và qua đêm trong rừng tại những khu cắm trại, thưởng ngoạn cảnh núi non Bảo Lộc từ trên cao, đón bình minh tại chùa Linh Quy Pháp Ấn….
Ngoài điểm đến hấp dẫn, TP Bảo Lộc còn đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch như: Thiết kế các tour tham quan làng nghề kết hợp quảng bá ngành trà và tơ lụa; trình diễn nghệ thuật thu, hái và chế biến trà; đẩy mạnh loại hình du lịch canh nông; khám phá đời sống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số… Với những nỗ lực vươn mình, du lịch Bảo Lộc đang có lượng tăng về lượt khách trên 7%/năm so với năm trước đó, doanh thu ước tính trên 8 tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông tại Bảo Lộc cũng ngày càng được nâng cấp và mở rộng, nhằm phục vụ cho mục đích thu hút khách du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh lỵ của Lâm Đồng, xứng tầm là đô thị loại II trong năm 2025. Không chỉ giúp kết nối ngày càng nhiều khách du lịch đến Bảo Lộc dễ dàng hơn, lợi thế hạ tầng còn là yếu tố quan trọng giúp nơi đây trở thành mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư địa ốc.
Theo đánh giá của TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, giá đất ở một số khu vực tại Bảo Lộc đang có biên độ tăng lên đến 400%, gấp 4 lần so với năm 2017. Một số khu vực liền kề cao tốc Dầu Giây - Liên Khương còn tăng “chóng mặt” đến hơn 10 lần. Cùng với thực tế giá đất ở nhiều nơi tăng vọt, các nhà đầu tư lớn ồ ạt kéo về và gần 50 dự án tại đây đang kêu gọi nhà đầu tư đã cho thấy Bảo Lộc đang sở hữu sức hút mạnh mẽ.
Bên cạnh các yếu tố về thiên nhiên phù hợp để phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng kiểu mẫu thì BĐS Bảo Lộc ngày càng “thăng hạng” nhờ vào yếu tố quan trọng về hạ tầng. Cụ thể, dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200km với vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng, đã có thông tin chính thức từ Bộ GTVT sẽ khởi công vào quý IV/2020.
Đây là tuyến đường quan trọng về giao thông khi rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bảo Lộc chỉ còn 2 giờ, về kinh tế khi kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đang trình chủ trương đề án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đi qua các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Đạ Hoai, Đạ Tẻ, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc với kinh phí ước tính khoảng 18.000 tỷ đồng.
Hiện nay, xu hướng mua đất để làm homestay và farmstay đang nở rộ, không chỉ đối với giới đầu tư muốn tìm nơi nghỉ dưỡng, mà còn hấp dẫn đối với cả các bạn trẻ muốn “về vườn” lập nghiệp. Tuy nhiên theo các chuyên gia trong ngành, một trong những cản trở lớn khi đầu tư vào mô hình này là sau khi sở hữu BĐS, các vấn đề về quản lý nơi ở, nhà vườn đều khó khăn. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng nên lựa chọn những dự án thuận lợi về giao thông, có hệ thống quản lý và vận hành nhà vườn bài bản.