Khu Nam TP.HCM: Bước chuyển mình mới về hạ tầng giao thông

Từ cuối năm ngoái đến nay, người dân sinh sống tại cửa ngõ phía nam TP.HCM liên tục chứng kiến lễ thông xe, khởi công nhiều công trình trọng điểm. Nối cầu, thông hầm…, diện mạo giao thông khu Nam TP đang thay đổi từng ngày.

Những cây cầu trọng yếu lần lượt về đích

Hai ngày kể từ khi cầu Rạch Đỉa nối Q.7 và H.Nhà Bè chính thức thông xe, cầu Rạch Đỉa 2 nối dài đường Nguyễn Hữu Thọ cắt đường Nguyễn Văn Linh trở nên thông thoáng hẳn. Hơn 1 năm qua, cây cầu này oằn lưng gánh lượng phương tiện tăng đột biến khi đường Lê Văn Lương đoạn thông ra Nguyễn Văn Linh tạm ngưng lưu thông để tháo dỡ cầu Rạch Đỉa cũ, xây cầu mới. Hình ảnh xe container, xe tải, xe con xếp hàng dài nối đuôi nhau hơn 1 km từ đoạn giao với đường Đông - Tây (xã Phước Kiển, Nhà Bè) tới tận vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) diễn ra hằng ngày từ sáng sớm tới tối muộn ở chiều ngược lại, biến bùng binh trước cao ốc PV Gas Tower trở thành điểm đen ùn tắc mới dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ. Lực lượng cảnh sát giao thông ngày nào cũng phải có mặt điều tiết giao thông để giảm kẹt xe.

Cầu Rạch Đỉa 2 thông thoáng hẳn sau khi cầu Rạch Đỉa thông xe sáng 28.11.

 

Ngay trong sáng đầu tiên cầu Rạch Đỉa thông xe, rất nhiều phương tiện đã có thể chạy thẳng theo hướng Lê Văn Lương để ra đường Nguyễn Văn Linh. Ghi nhận đúng khung giờ cao điểm gần 8 giờ sáng 28.11, dòng xe máy di chuyển nhanh chóng qua cầu Rạch Đỉa 2, không còn phải tìm cách leo lên vỉa hè hay cố vượt rào, vi phạm lên cả phần đường cho người đi bộ trên cầu để thoát ùn tắc như mọi khi. Làn đường dành cho xe container và xe tải, ô tô con dù chưa thể thông thoáng ngay nhưng các phương tiện đã có thể di chuyển liên tục với tốc độ bình thường.

Có mặt tại khu vực chân cầu Rạch Đỉa hướng đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè) từ 7 giờ sáng 28.11, nhiều phương tiện đã chờ sẵn để trở thành một trong những người đầu tiên lưu thông qua cây cầu mới. "Cầu cũ là cầu sắt đã xuống cấp, nhỏ, hẹp, nhếch nhác, thường xuyên ùn tắc. Hơn 1 năm trước, chính quyền TP tháo dỡ cầu cũ để làm cầu mới, ai cũng mừng nhưng vì bị chặn đường để thi công nên đi lại khó khăn, phải đi cầu Rạch Đỉa 2 bên kia kẹt xe lắm. Giờ có cầu mới sạch đẹp, đi thẳng ra đường Nguyễn Văn Linh nhanh hơn, dễ hơn nhiều. Bà con bên Q.7 cũng có thể qua bên này đi chợ, ăn uống được rồi, không phải vòng đường xa xôi, vất vả nữa. Chờ làm lễ xong là chúng tôi được đi cầu mới rồi", anh Trần Thành Tâm (ngụ trên đường Lê Văn Lương, đoạn gần cầu Rạch Đỉa) phấn khởi chia sẻ.

Ở hướng ngược lại vào buổi chiều tan tầm, người dân lưu thông từ phía Q.7 về Nhà Bè sau khi vòng qua khu vực trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh đã có thể rẽ ngay vào đường Lê Văn Lương qua cầu Rạch Đỉa, thay vì phải vòng lên đoạn nút giao với Nguyễn Hữu Thọ để len nhau giao cắt với dòng xe chạy thẳng như trước. Nhờ thế, đường Nguyễn Văn Linh giảm căng thẳng rõ rệt.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, từ tháng 11, dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ rào chắn một phần mặt đường Nguyễn Văn Linh để thi công, đảm bảo mục tiêu thông xe nhánh hầm HC1 vào tháng 12. Việc rào chắn thi công hạng mục này ảnh hưởng việc lưu thông của các phương tiện qua nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Do đó, các nhà thầu đã nỗ lực hết sức thông xe cầu Rạch Đỉa trước 1 tháng so với kế hoạch để hỗ trợ phân luồng giao thông quanh công trường hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ giai đoạn tới.

Trước đó, người dân H.Nhà Bè hết sức phấn khởi khi dự lễ thông xe cầu Long Kiểng sau hơn 20 năm mòn mỏi trông ngóng. Cây cầu nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 nhưng do kẹt mặt bằng nên suốt 10 năm sau đó vẫn chưa thể khởi công. Đến khi được đặt những viên gạch đầu tiên vào tháng 8.2018 thì cây cầu tiếp tục phải "treo cẩu", thi công dang dở vì vướng mặt bằng. Ngày cây cầu thông xe, hình ảnh cụ bà Lâm Thị Nga (86 tuổi, nhà ở ngay chân cầu) xúc động khi đã sống được tới ngày cầu Long Kiểng hoàn thành khiến lãnh đạo TP cũng phải bùi ngùi.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè, cho biết cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa vừa khánh thành là 2 trong 4 cây cầu trọng yếu nằm trên tuyến đường Lê Văn Lương mà người dân đã mong chờ từ rất lâu. Những cây cầu lần lượt thông xe giúp khu vực phía tây của xã Phước Kiển trở nên thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. H.Nhà Bè đang tiếp tục hoàn thiện phần bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi, tạo sự kết nối thông suốt giữa Long An và Nhà Bè cũng như với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tăng tốc loạt công trình trọng điểm

Sau khi giao thông H.Nhà Bè được giảm tải nhờ những cây cầu mới, người dân lại tiếp tục đếm từng ngày tới khi thông xe hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Công trình nút giao hơn 830 tỉ đồng chính thức khởi công từ tháng 4.2020, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023 được kỳ vọng xóa ùn tắc tại khu vực này. Thế nhưng, quá trình thi công ì ạch, chậm trễ lại khiến dự án trở thành "thủ phạm" gây kẹt xe nghiêm trọng hơn.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư), thông tin: Nhánh hầm HC1 còn lại của dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn các công tác hoàn thiện bên trong hầm và xử lý các bản quá độ. Các nhà thầu đang phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình vào ngày 31.12 tới. Cùng với đó, công trình cầu Phước Long nối liền H.Nhà Bè và Q.7 sau thời gian được đẩy nhanh tiến độ hiện đã đạt hơn 90% khối lượng thi công, cũng dự kiến khánh thành vào 31.12. Ngoài ra, một phần đường song hành QL50 cũng đang chạy nước rút để thông xe trước Tết Nguyên đán 2025.

Những câu cầu hoàn thiện góp phần thay đổi diện mạo giao thông khu Nam TP.HCM
Những câu cầu hoàn thiện góp phần thay đổi diện mạo giao thông khu Nam TP.HCM.

"Sau khi thông xe tất cả các dự án này, cùng việc tiếp tục triển khai đoạn đấu nối QL50 vào cao tốc Bến Lức - Long Thành thì cục diện giao thông khu vực cửa ngõ phía nam TP chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều. Chưa kể, hiện nay Sở GTVT đang chủ trì mời gọi đầu tư dự án BOT trục đường Nguyễn Hữu Thọ từ Nguyễn Văn Linh tới H.Nhà Bè, tiếp tục mời gọi đầu tư BOT cầu đường Bình Tiên đấu nối từ Q.6 sang tới nút giao Nguyễn Văn Linh (điểm đầu của QL50 hiện nay). Như vậy, trong tương lai sẽ có 2 trục đường cửa ngõ của TP đấu nối vào tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, là trục Bắc - Nam mới và cầu đường Bình Tiên. Năm sau, TP sẽ khởi công cầu đường Nguyễn Khoái, cũng là trục Bắc - Nam thứ 3 nối kết khu Nam TP với khu vực trung tâm. Có thể thấy trên bình diện chung, hệ thống giao thông khu vực phía nam TP sẽ hoàn thiện thêm một bước nữa. Chắc chắn bài toán giao thông ở cửa ngõ này sẽ được giải quyết cơ bản", ông Lương Minh Phúc nói

Nguồn: Báo Thanh Niên

Các bài viết liên quan

Chính thức thông xe cầu Rạch Đỉa - Lavida Plus hưởng lợi lớn

Cầu Rạch Đỉa chính thức thông xe, rút ngắn thời gian đi lại giữa quận 7 và huyện Nhà Bè, góp phần giảm ùn tắc ở khu Nam TP.HCM. [Xem chi tiếp]

Nhánh hầm chui Nguyễn Văn Linh hoàn thành, chuẩn bị thông xe

Ngày 10.9 tới đây, TPHCM sẽ chính thức thông xe một nhánh hầm chui HC2 thuộc nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7, TPHCM). [Xem chi tiếp]

Tuyến đường nghìn tỉ nối Tp.HCM với Long An sắp về đích, cửa ngõ phía Tây hết kẹt xe, người dân hai

Sau hơn 2 năm khởi công, dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 kết nối tỉnh Long An với Tp.HCM cơ bản thành hình và dự kiến hoàn thành trong năm 2025. [Xem chi tiếp]

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM - Đạt và vượt các mốc tiến độ thi công

Sau hơn 1 năm thi công, dự án (DA) đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh được các đơn vị thi công hoàn thành đạt và vượt các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ. [Xem chi tiếp]

Chuyển đổi săn đất vườn dưới 1 tỉ đồng

Trong bối cảnh dịch bệnh, các kênh đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều nhà đầu tư vẫn có xu hướng đổ tiền vào bất động sản. Đặc biệt, những nhà đầu tư có vốn ít vài trăm triệu đến dưới 1 tỉ đồng đã đổ về vùng quê của các địa phương lân cận TP.HCM như Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… tìm mua đất vườn. [Xem chi tiếp]

Có nên rút tiết kiệm 2 tỷ đồng đầu tư đất nền lúc này?

Nếu đầu tư ở thời điểm hiện tại, bạn có thể phải chấp nhận rủi ro giá đất đã tăng nhiều và cần có thời gian để tăng tiếp sau đó. Để hạn chế rủi ro này, bạn cần tìm hiểu rõ vùng đất định đầu tư, xem tiềm năng tăng giá còn cao không? Và nếu còn thì bạn cần cân đối tài chính để khi mua vào rồi không phải bán gấp mảnh đất mà đợi... [Xem chi tiếp]