Bảo Lộc, đô thị miền sơn cước

Cao nguyên B’Lao xưa bây giờ là thành phố trẻ Bảo Lộc, trung tâm thứ hai của tỉnh Lâm Đồng. Đến Bảo Lộc, khách viễn du ngỡ ngàng trước hình ảnh đô thị miền sơn cước đẹp dịu dàng giữa không gian xanh của bát ngát chè, cà phê và thấp thoáng những nương dâu. Vươn mình lớn lên từ nền ký ức, vỡ vạc tương lai bằng những hoạch định mới. Tất cả dù đang bộn bề nhưng đã lắm phần khởi sắc.

Trung tâm thành phố Bảo Lộc về đêm lung linh sắc màu

 

Trong một lần đi tìm dấu tích khu mộ táng Đại Làng của người Châu Mạ (Dân tộc Mạ) mà cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng khẳng định “có một vương quốc Châu Mạ xưa” ở đây, nhà nghiên cứu văn hóa Lâm Tuyền Tĩnh (đã mất) đã đưa tôi về buôn cổ Konhin B’Lao. Đây là một trong ba buôn làng lâu đời nhất của vùng đất này. Trong men say rượu cần, già làng kể cho tôi nghe những câu chuyện không đầu không cuối về một B’Lao xưa.

 

Không gian B’Lao trong tiềm thức của già mang một nỗi buồn huyễn hoặc và đẹp bởi những huyền thoại dệt từ khát vọng của cư dân cổ. Nỗi buồn ấy nung chảy cảm xúc của người nghe. Tôi ám ảnh bởi huyền tích người Mạ “ăn hết lộc của Yàng” ở miền đất cũ, Yàng bắt phải đi tìm đất mới lập cư. Trong cuộc thiên di ấy, người Mạ buôn Conhin B’Lao đã vượt qua ba cánh rừng, lội qua ba con sông để đến nơi có ba con nước giao nhau, có đồi ma, có con cọp trắng, nơi chưa ai dám phát rẫy bao giờ. Nhưng nơi ấy có con sông Đạ Bình không bao giờ cạn nước, có ngọn núi S’Pung chẳng bao giờ hết cây. Nơi ấy là đất lành, là Bảo Lộc ngày nay.

 

Anh Lâm Tuyền Tĩnh chỉ tay mấy vòng như vẽ địa đồ cho tôi hiểu: “Buôn Konhin B’Lao sau này thành tên làng đầu tiên của người Kinh ở vùng Bảo Lộc khi họ lên lập cư từ đầu thế kỷ. Buôn Konhin S’re Rơlong nay thành đất của mấy phường. Buôn Konhin Đạ giờ là phường B’Lao…” Có một điều, sau ngày anh Lâm Tuyền Tĩnh mất thì trên vùng đất đó nay đã hình thành khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, khu công nghiệp Lộc Sơn. Thêm một điều nữa, ngành dâu tằm tơ từng đưa Bảo Lộc lên địa vị “thủ đô dâu tằm của cả nước” thì nay đã hết thời hoàng kim, những nông trường sản xuất dâu tằm có tên gọi “Konhin” đã giải thể…

 

Ký ức cao nguyên cứ lùi dần, lùi dần vào những câu chuyện kể ngày càng hiếm hoi trong những đêm dài buôn cũ. Những tư liệu lịch sử, những hiện vật khảo cổ cũng về với bảo tàng. Người mới đến chỉ mơ hồ về quá khứ vùng đất này khi bất chợt nghe ai đó nhắc tên một địa danh. Vùng sơn nguyên với bề dày văn hóa mang đậm bản sắc xứ sở, với những trang bi tráng qua bao mùa chinh chiến trong lịch sử đã thay da đổi thịt. Các buôn làng cổ di dời đến nhiều nơi bởi những cuộc chiến tranh, những lần đổi thay quy hoạch. Khắp nơi bây giờ là phố xá, là cơ sở thương mại, là đường rộng, nhà máy lớn, là vườn cà phê, vườn chè xanh ngát mắt. Thành phố Bảo Lộc đã và đang mang một tâm thế mới, một tầm vóc mới. Từ ngọn đồi cao trên đèo nhìn về, Bảo Lộc đẹp như tranh giữa màu xanh biếc của cây cối tốt tươi và khói sương đặc thù sơn cước. Trong dòng cảm xúc đó, tôi không muốn nhắc tới những hoạch định phát triển,… mà lãnh đạo thành phố Bảo Lộc cung cấp. Tôi chỉ muốn chấm phá những nét thú vị đặc trưng, mang hồn phố cao nguyên trong đó. Mà nét đặc trưng nhất của xứ sở này có lẽ là miền đất hứa của cây chè. Quả thật, nếu ai từng đến đây đều phải thốt lên, Bảo Lộc đích thị là đô thị chè…

 

Trên cánh đồng chè Bảo Lộc

 

Mỗi lần từ đồng bằng trở về Đà Lạt, khi xe leo qua đèo Bảo Lộc là trong tôi có một tâm trạng khác lạ. Cảm giác ấy có được khi ngắm nhìn những nương chè tiếp nối nhau trải dài, xanh ngút mắt. Những lối chè thẳng hàng trên những đồi tiếp đồi như muôn ngàn thiếu nữ rẽ đường ngôi cho mái tóc xuân thì. Không gian khoáng đạt, lãng mạn và tràn đầy sức sống. Tự nhiên, lòng cứ miên man về những biến dịch qua tháng qua năm của vùng đất bazan này, về thân phận những nông phu và cả nghiệp làm chè của những ông chủ đồn điền, các danh trà qua nhiều thế hệ.

 

Ở phía Nam, cứ nói đến chè là người ta nhắc ngay tới vùng đất cao nguyên Bảo Lộc. Không nhắc sao được khi một thế kỷ qua cây chè cùng với người dân nơi đây chia sẻ chung số phận. Ở xứ sở này, cây chè lặng lẽ với thời gian, len vào cuộc sống của mỗi con người, của mỗi gia đình, từng góc vườn, ngõ phố. Người làm chè, chế biến trà Bảo Lộc đã bao lần lên hương và cũng bao phen khốn đốn với nghề của mình…

 

Từ vùng chè Cầu Đất ở Đà Lạt trên độ cao 1000 mét, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ người Pháp mà cây chè lan dài xuống vùng Di Linh rồi Bảo Lộc theo lộ trình mới mở của con đường từ Đà Lạt đi Sài Gòn thời thập niên 30 của thế kỷ 20. Chè bắt đầu quen đất B’Lao với các đồn điền của các ông chủ đến từ phương Tây như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierré… rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy chè, vườn chè hộ gia đình. Từ đó, ở vùng đất này đã xuất hiện đông đảo một tầng lớp cư dân chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất bazan đã khai mở từ gần một thế kỷ trước.

 

Khung cảnh yên bình trên cao nguyên Bảo Lộc (Ảnh TL)

 

Ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp trà trên quê hương mình, những người làm trà ở vùng đất này đã chọn ngay địa danh B’Lao để đặt tên cho sản phẩm của họ. Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của “thương hiệu B’Lao” mà các danh trà sau này, ngoài tên gọi cơ sở sản xuất đều dùng thêm chữ “trà B’Lao” trên bao bì sản phẩm, cho dù danh trà của họ có nổi tiếng đến mấy. Đó có thể là danh trà Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, hay Rồng Vàng, Thiên Hương, Thiên Thành, Ngọc Trang… “Nếu không ghi chữ B’Lao vào bao bì thì sản phẩm như mất đi phần bản sắc quan trọng nhất và rất khó tiêu thụ”. Ông chủ đời thứ ba của danh trà Thiên Hương đã khẳng định với tôi như thế. Điều đó minh chứng thêm cho sự hòa quyện máu thịt giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất ấy. Đồng thời, một lý do quan trọng khác là trà B’Lao mang dấu ấn đặc trưng riêng trong phong vị đã từng chinh phục thói quen thưởng trà của người “Đàng Trong”. Nghề làm trà ở cao nguyên B’Lao đã thành nghiệp cha truyền con nối. Những ông chủ của thế hệ đầu tiên của các danh trà nổi tiếng trên xứ sở này hầu như đã về với đất. Vẫn là những tên gọi cũ nhưng những người kế nghiệp đã sang đến đời thứ ba, thứ tư.

 

Bảo Lộc là đất của cây chè và nghề chế biến trà. Ở Bảo Lộc, hơn chục năm lại đây xuất hiện rất nhiều doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến để làm nghề này. Họ là những ông chủ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đến đầu tư thuê đất đai, nhân công và trồng chè, chế biến các loại trà cao cấp làm giàu. Gần 1500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở “đô thị trà” Bảo Lộc. Trà B’Lao không chỉ còn là sản phẩm nội tiêu mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, người dân địa phương và khách thưởng lãm trà nhiều miền khi nhắc đến trà B’Lao thì trong tâm tưởng của họ bao giờ cũng hiện lên hình ảnh những trang trại trà, xưởng trà, phố trà danh tiếng đã xuất hiện từ mấy mươi năm trước. Ở Bảo Lộc, tên gọi của những đồn điền từ thuở nước nhà còn dưới ách đô hộ của ngoại bang bây giờ vẫn là những địa danh không đổi, như nhắc nhở về quá vãng nô dịch, oằn lưng roi đòn, cõng cái đói nghèo truyền kiếp của kẻ nô lệ để cho bọn thực dân bóc lột, vơ vét…

 

Đường phố nội thị Bảo Lộc hôm nay. Ảnh: BÙI TRƯỞNG

 

BLao - Bảo Lộc là vùng đất tốt với cây trồng và miền đất lành với con người. Trong chiến tranh, từng có những người “không theo bên này, chẳng thuộc bên kia” đã chọn B’Lao làm đất dung thân, tránh thị phi, bom đạn. Người nổi tiếng như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, có những năm trốn phố thị đô hội về đây chọn một trường tiểu học để dạy và viết những ca khúc khao khát hòa bình. Rồi như các tu sĩ Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ hay cư sĩ - nhà thơ Nguyễn Đức Sơn chọn ngọn đồi Phương Bối giữa xứ B’Lao lập am tụng kinh cho qua năm tháng khổ lụy. Còn biết bao nhiêu con dân đồng bằng, rời xứ lên cao nguyên trong những ngày loạn lạc. Họ tìm đường mưu sinh bằng chè, bằng dâu, bằng cà phê… rồi sinh con đẻ cái, cư thân lập nghiệp qua mấy thế hệ. Con cháu họ bây giờ đã tự hào gọi mình là người B’Lao.

 

Cũng như chiều này tôi trò chuyện cùng Dương Kim Viên, anh bạn thân từ thời sinh viên, giữa đất trời Bảo Lộc. Ngắm ông bạn tóc bắt đầu bạc màu thời gian, tôi chợt nghĩ, ngay cả chính bạn của mình đây cũng là một minh chứng cho sự “lành” của đất Bảo Lộc. Viên tốt nghiệp đại học, tìm ở quê nhà Hà Tĩnh không ra việc nên vào đất này, chui vào tận rừng sâu phát rẫy cả năm ròng rồi xin được một chân dạy học hợp đồng. Thế mà run rủi thế nào mà được lãnh đạo thị xã hồi đó phát hiện ra là người có chuyên môn tốt và điều ra ngoài phố. Thế rồi ông giáo Dương Kim Viên đã trở thành Phó Chủ tịch rồi Phó Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, cho đến cuối năm ngoái thì anh về hưu...

 

Thành phố Bảo Lộc hôm nay

 

Nguồn : Báo Dân Tộc

Các bài viết liên quan

Chuyển đổi săn đất vườn dưới 1 tỉ đồng

Trong bối cảnh dịch bệnh, các kênh đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều nhà đầu tư vẫn có xu hướng đổ tiền vào bất động sản. Đặc biệt, những nhà đầu tư có vốn ít vài trăm triệu đến dưới 1 tỉ đồng đã đổ về vùng quê của các địa phương lân cận TP.HCM như Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… tìm mua đất vườn. [Xem chi tiếp]

Có nên rút tiết kiệm 2 tỷ đồng đầu tư đất nền lúc này?

Nếu đầu tư ở thời điểm hiện tại, bạn có thể phải chấp nhận rủi ro giá đất đã tăng nhiều và cần có thời gian để tăng tiếp sau đó. Để hạn chế rủi ro này, bạn cần tìm hiểu rõ vùng đất định đầu tư, xem tiềm năng tăng giá còn cao không? Và nếu còn thì bạn cần cân đối tài chính để khi mua vào rồi không phải bán gấp mảnh đất mà đợi... [Xem chi tiếp]

Gia đình nhỏ xây nhà bọc ngói để trốn phố thị bon chen

Trước khi gia chủ tìm đến kiến trúc sư, căn nhà đã có sẵn khung gồm cột và sàn nên nhiệm vụ của nhóm thiết kế là mở rộng một phần sàn để đáp ứng yêu cầu người ở, gia cố kết cấu và điều chỉnh những thứ sẵn có cho trật tự, gắn kết hơn. [Xem chi tiếp]

Tập đoàn Đèo Cả "hiến kế" thúc đẩy phát triển đầu tư hạ tầng giao thông

Để hiện thực mục tiêu đến năm 2030 xây dựng 5.000 km cao tốc mà Bộ Giao thông vận tải đặt ra, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất các phương án thực hiện – phương án về “3 chữ P”. [Xem chi tiếp]

Vì sao các ‘ông lớn’ địa ốc đổ bộ đầu tư vào Bảo Lộc

Sở hữu hệ thống hạ tầng đồng bộ cùng nhiều tiềm năng phát triển du lịch, Bảo Lộc đang trở thành vùng đất đầu tư lý tưởng cho các ông lớn địa ốc “tụ hội” về đây. [Xem chi tiếp]

Đất nền phố núi Bảo Lộc: Kênh đầu tư bất động sản tiềm năng

Với hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, thành phố Bảo Lộc đã và đang thay thế Đà Lạt trở thành thủ phủ mới của tỉnh Lâm Đồng và là tâm điểm phát triển kinh tế phía nam Tây Nguyên. Thành phố “kinh đô trà hương” này đang trên đà trở thành điểm đến mới của nhà đầu tư bất động sản với tiềm năng dồi dào. [Xem chi tiếp]